Trong kế hoạch lúc đầu, mình định thăm 2 lăng Gia Long và Minh Mạng vào ngày thứ 3. Tuy nhiên vì dự báo thời tiết báo ngày hôm sau sẽ mưa nên bọn mình tranh thủ đi luôn vì đường đi đến 2 lăng này cũng khá xa, trời mưa chắc chắn sẽ ngại đi xa.
Xem thêm:
Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 1)
Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 2)
Thăm lăng Gia Long
Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) là lăng tẩm xa nhất trong số các lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn, nằm tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mình xem Google Maps thấy báo đường đi đến lăng mất 30 phút thì nghĩ cũng không quá xa. Tuy nhiên, đường đi đến lăng cực kỳ khó đi, thậm chí phải đổ đèo, nó không hề dễ đi như đường ở Hà Nội nên bọn mình khá mệt và có phần hơi sợ.
Mình thấy đến đây mọi người sẽ đi bằng thuyền theo dòng sông Hương đến hơn thay vì đi bằng xe máy. Ô tô đi có vẻ nhanh hơn nhưng lối vào lăng không quá rộng nên sợ rằng ô tô không thể đi vào trong và sẽ phải đi bộ vào khá nhiều. Google Maps chỉ bọn mình đổ đèo, sau đó phải đi qua 1 cây cầu phao. Qua cầu phao sẽ mất 5 nghìn phí. Tiếp đó, bọn mình đi theo đường mòn dọc con sông Hương với bên phải là những rừng cây, thưa thớt người, vắng vẻ, thời thì có chút âm u nên hơi rợn.
Nói thật là bọn mình đi mãi không thấy đến nên khá nản và thực sự rất mong chờ đến thăm lăng. Lúc đi bọn mình còn bàn với nhau rằng đến đây sẽ thuê audio và bản đồ vì đã mất công đi đến đây xa như vậy, nên thuê để hiểu rõ hơn về lăng. Tuy nhiên, sau khi đến thăm lăng mình thực sự có đôi chút thất vọng bởi lăng không được như kỳ vọng của bọn mình.
Thiên Thọ Lăng thực chất là quần thể gồm nhiều các lăng tẩm khác nhau của triều Nguyễn, được vua xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820. Theo như mình tìm hiểu, lăng là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, lối đi vào lăng là 2 đồi thông với không khí tĩnh mịch. Toàn bộ quần thể lăng thờ các vị chúa Nguyễn ngày xưa cùng mẹ, chị ruột của vua, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu và vua Gia Long. Theo nhiều tài liệu ghi chép, vua đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường xây lăng.
Vua Gia Long là vị vua có nhiều tranh cãi trong lịch sử Việt Nam, ông được nhiều người nhắc đến là vị vua “cõng rắn cắn gà nhà”. Bản thân ông cũng từng chạy trốn khắp nơi khỏi sự truy giết của vua Quang Trung nhưng có vẻ như “số trời đã định”, sau tất cả ông đã lên ngôi vua và sáng lập ra nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Bản thân mình không đánh giá về bất kỳ vị vua nào trong lịch sử, bởi trong triều đại phong kiến hầu hết các vị vua đều muốn đoạt quyền lực cho riêng mình, sẵn sàng giết những ai chống đối lại mình. Và có thể khẳng định vua Gia Long cực kỳ “cao số”. Tuy nhiên mình thực sự sợ với cách ông khai quật toàn bộ lăng tẩm của vua chúa, con cháu vua Quang Trung, giết hại tất cả những ai thân thích, kể cả đời thứ 3, thứ 4 với nhà vua. Có lẽ bởi trong quá khứ, ông bị ám ảnh bởi sự truy sát của Nguyễn Huệ nên sau khi đã giành được quyền lực, ông muốn “diệt cỏ tận gốc”. Nếu điện ảnh nước ta phát triển như Trung hay Hàn Quốc thì bộ phim về vua Gia Long chắc chắn sẽ cực kỳ hấp dẫn.
Quay trở lại với Thiên Thọ Lăng. Bọn mình vì mua vé gộp 10 điểm di tích nên đến đây không cần mua nữa, nếu mua lẻ, giá là 50.000 đồng/người lớn. Tại đây không có bản đồ cũng không có audio nên bọn mình cũng không thuê được. Lăng đã được tu sửa lại khá nhiều, lúc bọn mình đến, các cô chú đang lát gạch để tạo lối lên khu lăng mộ của nhà vua. Hiện tại, lăng đã được tu sửa xong và giá cũng có sự thay đổi, theo mình tham khảo là 150.000 đồng/người.
Khi mình đến đây, lăng khá vắng vẻ, chỉ có bọn mình cùng 2 vị khách khác và chú bảo vệ lăng. Điều này khiến cho khung cảnh của lăng càng trở nên đìu hiu, buồn và tĩnh lặng. So với các lăng khác mình đã đi, lăng Gia Long không thực sự để lại cho mình nhiều ấn tượng lắm. Khi đi qua cổng, bạn sẽ thấy chính diện là điện Minh Thành, 2 bên là 2 gian nhà lưu giữ các cổ vật, các thông tin liên quan đến lăng mộ của nhà Nguyễn. Sau đó bạn đi sang phía bên tay phải chính là khu lăng mộ chôn cất vua Gia Long. Thời điểm mình đến, lối vào khu mộ đang được xây dựng nên bọn mình đi qua những bãi cỏ để sang lăng.
Có lẽ vì là lăng đầu tiên nên kiến trúc khá khác so với các lăng tẩm khác. Vẫn có những hàng voi, ngựa, quan văn, quan võ, nhưng thiếu vắng những cây sưa và đặc biệt, tại đây có là 2 mộ của vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu – người đã đồng hành cùng vua từ khi còn trẻ, lưu vong qua nhiều đất nước cùng vua.
Khu lăng mình không tham quan quá kỹ bởi mình hơi sợ. Trời đã âm u, lăng thì vắng người, những hạt mưa cũng bắt đầu rơi, xung quanh tĩnh mịch nên mình có hơn rợn với không gian này. May mà có những cô chú thợ xây cười nói vui vẻ nên cảm giác có bớt đi phần nào. Nhưng chỉ vài phút sau, nỗi sợ hãi của mình lại tăng lên gấp bội bởi câu chuyện tâm linh của chú bảo vệ.
Chú bảo vệ của lăng cũng như một người dẫn tour cho bọn mình vậy, chú kể rất nhiều câu chuyện xung quanh vị vua và Thiên Thọ Lăng, giúp bọn mình hiểu hơn về mọi thứ xung quanh. Sau đó, chú có kể một câu chuyện khiến mình vốn đã yếu bóng vía lại càng sợ hãi hơn.
Chú kể rằng, trước đó vài tuần có một vị khách Tây đến thăm lăng, anh khách Tây hình như có thể nhìn thấy được người âm nên cứ ngồi khóc cả buổi. Sau đó, anh ấy vào điện Minh Thành quỳ lạy, thắp hương… mới có thể ngừng khóc. Mình không biết có thực sự anh khách này nhìn thấy người âm hay đơn giản là anh ấy tự tưởng tượng ra khung cảnh nào đó thôi. Bởi khi nghe câu chuyện này mình chợt nhớ tới một người anh cũng từng đi Huế, sau khi chuẩn bị rời lăng Gia Long, anh cũng tưởng tượng ra khung cảnh hùng tráng với các lính An Nam, những voi và ngựa…. Dù như thế nào thì thực sự đây là một câu chuyện khiến mình có chút sợ hãi và nhanh chóng rời khỏi lăng để đến thăm lăng Minh Mạng.
Khi được biết giá lăng Gia Long năm 2023 tăng lên 150,000 đồng, mình cứ nghĩ sẽ có thêm nhiều công trình được tu bổ hay gì đó. Tuy nhiên, công trình lăng giống như lúc bọn mình đến hồi tháng 12.2022, thực sự không quá đặc biệt nên mình nghĩ giá này hơi cao. Chưa kể, lăng cực kỳ xa trung tâm, đi lại khá khó khăn nên việc hút khách đến đây khá khó, thậm chí với giá cao như vậy mình nghĩ sẽ không có nhiều khách du lịch.
Thăm lăng Minh Mạng
Sau khi rời khỏi lăng Gia Long, bọn mình đến lăng Minh Mạng, di chuyển xe máy khoảng 15 phút. Lúc này trời cũng mưa mau rồi nên di chuyển khá khó khăn và cũng hơi lạnh. Lăng Minh Mạng cũng được đánh giá là một lăng tẩm khá đẹp và mình cũng thấy như vậy. Bản thân mình đánh giá lăng đẹp hơn so với Lăng Tự Đức và có nhiều câu chuyện xung quanh hơn. Cũng có lẽ vì thế nên đến lăng đông đúc hơn hẳn, làm xua đi cảm giác sợ hãi của mình khi ở lăng Gia Long.
Lăng Minh Mạng hay Hiếu Lăng được cân nhắc, chọn lựa suốt 14 năm nhà vua mới quyết định xây dựng. Theo đó, vua mất khi lăng chưa được xây dựng xong, con trai ông là vua Thiệu Trị sau đó lên ngôi đã cho tiếp tục xây dựng công trình này. Lăng đi theo bố cục đối xứng với đường thần đạo xuyên qua các cửa chính, sân chầu, Đại Hồng môn, Bi đình Hiển Đức môn, Điện Sùng ân, Hoàng Trạch môn, Cầu Trung Đạo, Minh Lâu, Cầu thông minh chính trực, cuối cùng là Bửu Thành và Huyền Cung (nơi chôn cất vua). Theo như tìm hiểu, Đại Hồng Môn hay chính là cổng chính của lăng chỉ mở một lần duy nhất để đưa quan tài của vua vào, sau đó được đóng kín và chỉ đi bằng cổng phụ 2 bên.
Minh Mạng được đánh giá là vị vua anh minh, tài giỏi nhất của nhà Nguyễn, ở thời của ông, lãnh thổ đất nước rộng lớn hơn bao giờ hết. Đặc biệt, ông cũng chính là người đã cho phát hiện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đánh dấu 2 đảo trên bản đồ của nước Việt Nam. Ngoài ra ông cũng được biết là vị vua đông con, sống thọ và để lại nhiều câu chuyện cho những thế hệ sau.
Cá nhân mình thấy lăng Minh Mạng rất đẹp, nhưng có lẽ đến thăm lăng vào lúc trời đang mưa và lúc chiều tà nên mình thấy lăng khá buồn. Những cây sưa quanh lăng càng làm cho cảnh vật ở đây buồn hơn bao giờ hết. Trong lăng có cả hồ nước thả cá, nhưng vì trời mưa nên mình cũng không tham quan. Mình ấn tượng bởi câu chuyện đưa quan tài của vua vào Bửu Thành, theo đó, quan tài của vua được đưa qua 2 mật đạo đi vào Bửu Thành và không ai biết huyệt đạo đó ở đâu. Khu vực lăng mộ vua cũng bị khóa, khách không được vào thăm quan.
Bản thân mình thấy Hiếu Lăng là công trình thể hiện rõ sự uy nghi của vua, giữ nguyên được những nét truyền thống, cổ xưa và có chút Nho giáo. Nếu đến Huế thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua lăng tẩm này. Vì đã gần cuối ngày, điện thoại của bọn mình hết pin nên mình dùng ipad để chụp ảnh. Kết quả là ảnh thu được khá mờ, không rõ nét nên mình khá tiếc.
Quay về thành phố và ăn tối
Khoảng 5 giờ bọn mình quay lại thành phố, trời đã mưa nhiều hơn và lạnh hơn. Rút kinh nghiệm lúc đi mình đi theo maps cho xe máy, lúc về mình xem maps đường dành cho ô tô nên đi đường cũng thông thoáng, rộng rãi hơn. Sau khoảng 30 phút thì bọn mình quay lại khu đập đá, trở về phòng và nghỉ ngơi sau 1 ngày dài thăm quan 5 lăng tẩm ở ngoại ô thành phố Huế.
Dọc phố Hàn Mặc Tử mình ở có rất nhiều quán bún hến, cơm hến khá nổi tiếng của Huế mà mình chưa ăn. Vậy nên buổi tối này mình quyết định ăn thử. Mình ăn bún hến, 1 bát gồm có bún, hến, các loại rau sống cùng 1 chút gì đó giống như dầu ăn??? mình không rõ lắm nhưng khi ăn mình không cảm nhận được vị hến mà thấy rau sống là nhiều. 1 tô được khá ít và mình ăn không thực sự no lắm. Vậy nên bọn mình gọi thêm bánh lọc và bánh nậm, mỗi loại 5 cái. Bánh lọc hay bánh bột lọc ăn ngon, cá nhân mình đánh giá là ngon hơn ở Hà Nội, còn bánh nậm ăn cảm giác hơi giống bánh giò ở Hà Nội, dù được gói khéo léo và mỏng hơn rất nhiều.
Mình không nhớ quá rõ lắm giá của buổi ăn hôm đó, nhưng mình ăn 1 bún hến, 1 cơm hến, 5 bánh lọc và 5 bánh nậm giá là 54.000 đồng. Với sức ăn của bọn mình thì ăn như này thực sự chưa đủ no, vậy nên bọn mình có đi bộ qua đập đá để mua hàm lợn – 1 món ăn nhậu mà ở Hà Nội không hề có nhưng ở Huế bán rất nhiều. Chị bán hàng chỉ bán vào buổi tối với một xe kéo, có ăn tại chỗ nhưng vì tối hôm đó trời mưa nên bọn mình mua mang về. Hàm lợn là phần xương quanh vùng hàm và má lợn được nướng muối ớt, ăn kèm rau sống và nước chấm cay cay, thực sự thích hợp để ăn nhậu trong 1 ngày mưa. Ngoài hàm nướng, chị chủ còn bán lòng lợn nướng, chân ngan nướng (mình hơi lạ vì sao không bán chân gà nướng). Mình mua 1 hàm lợn nướng giá 55.000 đồng cùng 20.000 đồng tiền lòng nướng kèm rau sống và nước chấm, bên cạnh đó mình cũng mua thêm 1 vài lon bia. Ở Huế đa số mọi người uống bia Huda, mình không biết uống bia nên thấy bia nào cũng giống nhau.
Ăn hàm lợn thì cũng như ăn xương bình thường nhưng lạ miệng hơn vì được nướng với muối ớt thơm ngon, ăn kèm rau sống là rau răm lại càng đúng vị. Mọi người nếu đến Huế thì nên ăn thử món này vì ở Hà Nội mình chưa thấy chỗ nào bán. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng đâu, nếu ăn vào 1 ngày mưa lại càng đúng vị hơn.
Vậy là kết thúc ngày thứ 2 ở Huế. Ngày thứ 3 và thứ 4 trời Huế mưa khá nặng hạt. Nhưng ăn chơi thì làm sao sợ mưa rơi. Bọn mình vẫn đi tham quan cung An Định, chùa Thiên Mụ, đi thưởng thức món bánh ép ngon tuyệt đỉnh, uống cafe muối nổi tiếng của Huế và đu idol giữa chợ Đông Ba. Chi tiết mình hẹn mọi người ở phần sau nhé vì phần này cũng đã quá dài rồi.
Cảm ơn mọi người đã đọc.