Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 2)
Mục lục

Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 2)

Đến ngày thứ 2 ở Huế, bọn mình đã đi khám phá 5 lăng mộ vua triều Nguyễn. Các lăng đều ở ngoại thành nên đi lại cũng khá xa và khó khăn, đặc biệt là lăng của vua Gia Long với đường đi cực kỳ đáng sợ.
Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 2)

Xem thêm: Review Huế 4 ngày 3 đêm phần 1

Đến ngày thứ 2 ở Huế, bọn mình đã đi khám phá 5 lăng mộ vua triều Nguyễn. Các lăng đều ở ngoại thành nên đi lại cũng khá xa và khó khăn, đặc biệt là lăng của vua Gia Long với đường đi cực kỳ đáng sợ.

Vì dự định 8 giờ bắt đầu xuất phát nên tầm 6 rưỡi bọn mình bắt đầu dậy để ăn sáng cũng như chuẩn bị đồ. Quanh khu vực mình ở (đường Hàn Mạc Tử – đập Đá) có khá nhiều quán ăn đặc sản của Huế. Đặc biệt, ở Huế cũng có những gánh hàng rong bán buổi sáng như ở Hà Nội. Theo như mình hỏi chuyện thì các cô cũng chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng là dọn hàng.

Ăn sáng ở đập Đá

Đầu tiên bọn mình ăn bánh mì chả. Ở Huế, bánh mì không được cho vào lò làm nóng như ở Hà Nội nhưng ăn vẫn khá giòn và ngon, chỉ có điều hơi cay. Một chiếc bánh mì sẽ gồm có chả, rau răm cùng chút nộm. Ngoài ra, bạn có thể chọn thêm topping trứng ốp la, pate, thịt nướng,… đều được. Nếu không ăn được cay bạn nên báo trước với cô bán hàng. Mình đã dặn trước là đừng bỏ ớt nhưng khi ăn vẫn rất cay không hiểu sao.

IMG 7880
Bánh mì ở Huế cay lắm luôn

Vì thấy vẫn chưa no nên mình có đi sang hàng bên cạnh ăn bánh canh. Trước đây mình đã từng ăn bánh canh ở Hà Nội và cảm thấy không hợp khẩu vị vì có nhiều topping là hải sản, mà mình thì không thích ăn đồ hải sản cho lắm. Bánh canh bán buổi sáng chỉ có 2 topping chính là trứng cút luộc và tôm. Phần bánh canh ăn khá dai và ngon, nước dùng hơi cay thực sự hợp với thời tiết mùa đông ở Huế. Tại đây, ăn bánh canh sẽ dùng thìa, không dùng đũa nên khi ăn sẽ cảm thấy hơi khó khăn. Giá của 1 bát bánh canh là 15.000 đồng, có bán mang đi.

IMG 7882
Bánh canh ở Huế

Sau khi ăn uống no nê, mình có thử uống cafe ở Huế. Nếu như đến Huế mà chọn những quán cafe view đẹp, đồ uống đá xay rồi chụp vài tấm ảnh sống ảo như ở Hà Nội thì quá bình thường. Vậy nên bọn mình có vào 1 quán cafe “cỏ”. Nếu ở Hà Nội mọi người uống trà đá thì ở Huế cafe chính là thức uống giống như vậy. Cafe nâu đá ở Huế sẽ bỏ sữa ở dưới, lớp cafe đen ở trên, cùng với đó là 1 đĩa khoảng 4 viên đá. Mình thích cách phục vụ như thế này, mọi người sẽ bỏ đá tùy theo nhu cầu của bản thân.

Ở Hà Nội mình rất hiếm khi uống nâu đá vì hơi nặng. Nhưng cafe nâu ở Huế thực sự khá ngon, thơm mùi cafe hòa quyện cùng chút sữa vô cùng dễ uống. Ngồi nhâm nhi 1 ly cafe sáng  khoảng 15 – 30 phút rồi mới bắt đầu công việc cho một ngày dài thực sự là vô cùng tuyệt vời. Điều làm mình bất ngờ nhất chính là lúc thanh toán. Nếu như ở Hà Nội, 1 cốc nâu đá giá 25.000 đồng thì khi đến Huế, giá 1 cốc chỉ từ 8.000 – 10.000 đồng. Như buổi sáng nay mình uống 2 cốc chỉ hết có 16.000 đồng. Câu nói “ở Huế cái gì cũng rẻ” thực sự không phải là nói đùa.

IMG 7883
Cốc cafe nâu chỉ 8.000 đồng

Thăm Lăng Khải Định

Sau khi ăn sáng, bọn mình quay trở lại homestay thay đồ và chuẩn bị để đi thăm các lăng tẩm ở khu ngoại thành. Vì dự định đi cả ngày không quay lại home nên mình đã chuẩn bị rất nhiều, thế nhưng lại bỏ quên sạc pin điện thoại. Đây chính là điều làm mình hối hận nhất vì hết pin, lúc cuối chụp lăng Minh Mạng mình chụp bằng ipad và không được đẹp cho lắm.

Khi lên plan đi Huế, mình đã băn khoăn không biết nên thăm lăng Khải Định đầu tiên hay cuối cùng. Bởi lẽ, Ứng Lăng có kiến trúc độc đáo nhất, nếu thăm đầu tiên thì về sau đi các lăng còn lại sẽ rất chán. Nhưng nếu đi cuối cùng thì sợ mệt, không có sức để tham quan và cảm nhất hết vẻ đẹp của lăng. Sau một hồi suy tư mình quyết định thăm Ứng Lăng đầu tiên trong ngày thứ 2 ở Huế.

Vua Khải Định là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Ông nổi tiếng là vị vua thân Pháp, không chăm lo đến đời sống của nhân dân, khiến nhân dân thời bấy giờ vô cùng đói khổ. Những cung điện, dinh thự xây dưới thời của ông như Điện Kiến Trung, Cửa Hiển Nhơn, cung An Định, Ứng Lăng…. đều là những công trình nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc. Tuy nhiên thời bấy giờ, những công trình này khiến nhân dân khổ cực và oán trách ông rất nhiều.

IMG 7887
Lối lên lăng Khải Định

Có nhiều câu chuyện xung quanh vua Khải Định, trong đó tiêu biểu nhất là vua không thích phụ nữ. Ông đối xử tốt với cả 12 bà vợ nhưng không yêu mến ai và chỉ có duy nhất 1 người con (vua Bảo Đại sau này). Các quan lại biết điều đó nhưng vẫn muốn đưa con gái tiến cung để hưởng bổng lộc, lúc này vua có nói: “Hậu cung của trẫm là một cái chùa, ai muốn vào tu thì cứ vào”.

Ứng Lăng nằm trên núi Châu Chữ (Châu Ê), cách trung tâm thành phố khoảng 10km, được khởi công xây dựng từ năm 1920. Và phải 11 năm sau đó, Ứng Lăng mới được hoàn thành. Đường đi đến lăng khá đơn giản, không quá khó khăn. Bọn mình di chuyển bằng xe máy mất khoảng 15 – 20 phút. Tại lăng có bãi đỗ xe khá rộng, bạn gửi xe máy giá sẽ là 2.000 đồng.

Vì đã mua vé gộp 10 điểm di tích nên đến đây mình không mua vé vào cửa nữa, nếu mua thì giá sẽ là 150.000 đồng/người. Bọn mình có mua thêm audio guide để hiểu hơn về kiến trúc cùng câu chuyện xung quanh của lăng. Giá thuê audio là 35.000 đồng/người.

IMG 7890
Kiến trúc của lăng vô cùng độc đáo và khác những lăng còn lại

Tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật cao 127 bậc và có sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau. Khi đến thăm lăng của vua Khải Định, chúng ta sẽ thấy rõ được sự giao thoa của văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử, cùng với đó là cá tính nghệ thuật của vua Khải Định. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những trụ cổng hình tháp của Ấn Độ giáo, trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo, hàng rào giống những cây thánh giá cùng những cột bát giác, vòm cửa theo lối Roman biến thể. Bên cạnh đó, không thể không kể đến kiến trúc cung đình Huế với nghệ thuật ghép sành sứ và thủy tinh màu đỉnh cao trong lăng.

IMG 7894
Tượng Nghê ở trong lăng
IMG 7895
Các tượng đá ở sân chầu

Ứng Lăng có diện tích nhỏ nhất trong số các lăng của vua Nguyễn nhưng lại là lăng tốn kém nhiều thời gian để xây dựng nhất. Chắc chắn khi thăm lăng bạn sẽ biết tại sao lại như vậy. Vào lăng bạn sẽ phải đi qua sân chầu, hệ thống tượng đá với quan văn, quan võ cùng tượng ngựa, voi ở 2 bên. Tiếp theo là Bi Đình với tấm bia được vua Bảo Đại khắc chữ về cuộc đời, sự nghiệp vua Khải Định. Cuối cùng là Thiên Định cung, nơi đặt mộ, bài vị của vua Khải Định và cũng là nơi thể hiện sự đỉnh cao nghệ thuật của ông.

IMG 7897
Phần Bi Đình nhìn từ Thiên Định Cung

Mình sẽ nói nhiều hơn về Thiên Định cung vì đây là công trình để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất. Cung ở vị trí cao nhất và được xây dựng vô cùng công phu, tinh xảo. Bước vào đây mình đã trầm trồ thốt lên vì quá đẹp, giống như một lâu đài chứ không phải là lăng tẩm thông thường nữa. Theo đó, để có được kiến trúc đẹp như vậy nhà vua đã sai người sang Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp để mua sành sứ, thủy tinh màu… phục vụ cho việc xây dựng và trang trí trong lăng. Cũng vì vậy nên lúc này, ông đã xin người Pháp tăng thuế của nhân dân lên 30% và khiến dân chúng vô cùng đói khổ, lầm than.  

IMG 7904
Nghệ thuật ghép sành sứ và thủy tinh màu
IMG 7901 1
Nghệ thuật ghép sành sứ và thủy tinh màu

Hai bên của Cung Thiên Định là Tả, Hữu trực phòng, hiện tại đang trưng bày những hình ảnh của vua Khải Định ngày xưa. Phía trước là điện Khải Thành – nơi đặt án thờ và chân dung của vua Khải Định. Tại đây, bạn sẽ thấy toàn bộ những bức tranh tứ quý, bát bửu, khay trà, vương miện, ngũ phúc,…. đều được trang trí bằng ghép sành sứ và thủy tinh màu. Lúc chưa đến Huế và xem mình cứ nghĩ tất cả là tranh vẽ, nhưng khi đến thăm lăng thì thực sự bất ngờ.

Ngoài ra, bức bích họa Cửu Long ẩn vân trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định cũng là một kiệt tác nghệ thuật. Được biệt, bức họa được tạo nên bởi nghệ nhân Phan Văn Tánh – ông cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác trong lăng. Có nhiều câu chuyện xung quanh bức họa Cửu Long ẩn vân, trong đó người xưa truyền lại rằng, để tạo nên tuyệt tác này, nghệ nhân Phan Văn Tánh đã dùng 2 tay, 2 chân và miệng vẽ liên tục cùng lúc.

IMG 7903 1
Bức Cửu Long ẩn vân trên trần nhà

Ở chính giữa của cung là bửu tán, bên dưới là pho tượng bằng đồng mô phỏng 1:1 vua Khải Định, được nhà vua đặt người Pháp thực hiện. Ở dưới pho tượng chính là nơi đặt thi hài của nhà vua. Xung quanh còn lưu lại những vòng hoa bằng đồng được người pháp mang đến trong lễ tang của vua. Theo đó, chỉ có lăng Khải Định là chúng ta có thể biết rõ nhất thi hài vua đặt ở đâu, còn những lăng vua khác thì không thể biết được. Bửu tán có lẽ là thiết kế để lại nhiều ấn tượng với mình nhất. Đây là một khối xi măng nặng 1 tấn và được trang trí hoàn toàn bằng sành sứ và thủy tinh màu. Vậy mà khi nhìn trong ảnh, mình cứ ngỡ đây chỉ là một tấm vải bình thường. Điều này có thể thấy được sự tỉ mỉ của vua Khải Định trong nghệ thuật, đồng thời cũng khâm phục ông cha ta ngày xưa vì đã tạo nên những tuyệt tác đến vậy.

IMG 7909
Toàn bộ sử dụng nghệ thuật ghép sành sứ vô cùng công phu
IMG 7907
Bửu tán

Trong audio guide, mình có nghe được một câu chuyện đó là: Vua Khải Định xây dựng lăng tỉ mỉ, tốn công sức và vô cùng tốn kém chi phí với mong muốn rằng, người đời sau biết được sự xa hoa của lăng thì sẽ không tìm cách khai quật hay phá lăng của mình. Và quả thật như vậy, có lẽ ông cũng không bao giờ nghĩ rằng, công trình lăng tẩm của mình đến bây giờ lại được nhiều người tham quan đến như vậy và trở thành một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Thăm Lăng Tự Đức

Bọn mình kết thúc việc tham quan lăng Khải Định vào khoảng 10 giờ, sau đó di chuyển 10 phút đến lăng Tự Đức. Vì đi theo google map nên bọn mình đi vào đường làng chứ không phải đường lớn quốc lộ. Tại đây bọn mình đã không mua audio guide và mình thấy quyết định này có chút sai lầm vì các điểm tham quan trong lăng chú thích khá sơ sài, cảm giác không thể hiểu hết những câu chuyện xung quanh lăng.

Lăng vua Tự Đức hay Khiêm Lăng được đánh giá là lăng tẩm có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh hữu tình và rất đẹp. Được biết, trước đó công trình có tên là Khiêm Cung – nơi vua đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh, ngâm thơ, đọc sách… Vua Tự Đức là vị vua duy nhất còn sống khi công trình lăng được hoàn thành. Theo đó, vua đã sống được khoảng 10 năm.

IMG 7918
Khiêm Lăng rất rộng, phong cảnh hữu tình

Mình có đọc thì trong lăng có khoảng 50 công trình lớn nhỏ. Biết trước lăng rộng như vậy nên bọn mình có xin ban quản lý di tích 1 chiếc bản đồ để đi. Tuy nhiên, tại đây nếu không thuê audio guide thì sẽ không được nhận bản đồ. Với giá vé vào lăng 100.000 đồng mà không nhận được tấm bản đồ khiến mình khá bực bội và không hài lòng về cách làm này.

Bọn mình có đi qua cửa Vụ Khiêm đến Khiêm Cung Môn, khu điện thờ, Chí Khiêm Đường, hồ Lưu Khiêm, cầu Tuần Khiêm, Do Khiêm bắc qua đồi thông….. Đây là những công trình nằm ở quần thể tẩm điện và rất rộng. Lúc này mình đã bắt đầu mỏi chân và muốn ngồi nghỉ ngơi. 

IMG 7919
Một kiến trúc khác ở Khiêm Lăng

Khung cảnh trong lăng thì rất đẹp, có hồ nước, có đồi thông,… tuy nhiên vẫn phảng phất chút buồn. Lúc mình đến thấy lượng khách khá ít, đặc biệt là hiếm khi bắt gặp các vị khách trong nước, đa số sẽ là khách nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan hoặc những vị khách phương Tây….. Mình không biết có phải do đây không phải mùa cao điểm du lịch nên ít khách Việt không, hoặc có lẽ những điểm tham quan lịch sử như thế này thường không thu hút khách trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ?

Sau khu vực tẩm điện, mình đi qua cầu để đến khu lăng mộ. Giống nhiều lăng tẩm khác, khu vực lăng mộ sẽ có Bái Đính với 2 hàng quan văn, quan võ, tượng voi, ngựa cùng một tấm Bi Đình bằng đá nặng đến 20kg do chính vua Tự Đức soạn. Tự Đức là vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, cai trị khi đất nước có nhiều rối ren, kinh tế trì trệ, quân đội suy yếu và có nhiều cuộc nổi loạn diễn ra. Đặc biệt, người Pháp với nhiều vũ khí hiện đại đã nổ súng tấn công Đà Nẵng, khiến vua phải nhượng 3 tỉnh Nam Kỳ cho họ. 

IMG 7920
Đây là nơi vua đến nghỉ ngơi, ngâm thơ

Người xưa nhận xét ông là người tư cách tốt, hiền lành, giản dị….. Bên cạnh đó, ông cũng là người văn hay chữ tốt, đề cao Nho học, yêu thích lịch sử và nghệ thuật. Tuy nhiên những điều này là không đủ để vua xoay chuyển cục diện đất nước đã có quá nhiều biến động. Cũng trong những năm tháng vua cai trị đất nước, người Pháp càng ngày càng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam và đặt quyền bảo hộ trên đất nước ta. Có lẽ, nếu như sinh ra vào thời đại khác, một giai đoạn lịch sử khác thì vua đã có thể để lại nhiều thành tựu trong việc cai trị đất nước.

IMG 7923
Lăng vua đẹp nhưng buồn, có rất nhiều cây sưa

Bên cạnh lăng tẩm của vua, trong Khiêm Lăng còn có Khiêm Thọ Lăng – nơi chôn cất hoàng hậu của vua. Nhìn chung lăng tẩm của vua, hoàng hậu của nhà Nguyễn có kiến trúc khá giống nhau với các khoảng sân rộng ở dưới, trên cùng là nơi đặt mộ phần với 2 lớp tường thành. Đây cũng là công trình cuối cùng trong lăng bọn mình tham quan. 

IMG 7924
Nhìn từ trong lăng xuống

Lúc này bọn mình đã khá đuối sức và mỏi chân. Tuy nhiên, vì lăng Đồng Khánh sát ngay lăng Tự Đức nên dù đã 11 rưỡi, bọn mình vẫn quyết định ghé sang để thăm lăng.

Thăm Lăng Đồng Khánh

2 lăng cách nhau chỉ khoảng 200m nên mình nghĩ nếu mọi người đến thăm lăng Tự Đức rồi thì hãy ghé qua lăng Đồng Khánh nữa. Lăng không quá rộng rãi, đi khá nhanh vì cũng không có nhiều công trình bên trong. Tuy nhiên vào lăng bạn sẽ không thất vọng bởi lối vào lăng cực kỳ đẹp….

Vua Đồng Khánh là con nuôi của vua Tự Đức và là vị vua chủ trương tiếp thu văn minh Pháp, áp dụng nhiều chính sách mới trong cai trị đất nước.  Nhưng có lẽ vì thân với Pháp nên ông bị nhiều người dân lên án là vì quyền lợi cá nhân mà can tâm làm bù nhìn, tay sai cho phương Tây. Ông trị vì được 3 năm thì qua đời vì một căn bệnh lạ, do vậy ông cũng không nghĩ đến việc xây lăng cho mình.

IMG 7929 1
Cổng vào lăng Đồng Khánh, nhưng mình chụp từ trong ra

Khi lên ngôi, vua đã cho xây dựng điện Truy Tư cho vua cha của mình là Kiên Thái Vương ở Cư Sĩ. Khi đang xây dựng, vua đột ngột mắc bệnh và qua đời. Lúc này, vua Thành Thái kế vị khi kinh tế đất nước kiệt quệ nên không thể tiếp tục xây dựng lăng hoàn chỉnh. Vua đã đổi điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Đồng Khánh, thi hài cũng được an tán đơn giản trên quả đồi gần đó. Mãi sau này, vua Khải Định – con trai vua Đồng Khánh lên ngôi thì ông mới cho tu sửa, xây điện thờ và xây cất lăng cho cha của mình. Toàn bộ khu lăng tẩm gọi là Tư Lăng với khoảng 20 công trình lớn nhỏ. Vì xây dựng qua một thời gian dài, trải qua 4 đời vua là Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định nên lăng mang dấu ấn của 2 trường phái kiến trúc ở 2 thời điểm lịch sử khác nhau, đan xen giữa kiến trúc cung đình Huế và kiến trúc mới du nhập từ phương Tây.

IMG 7926
Điện thờ nhà vua

Mình không hiểu sao lăng Đồng Khánh lại được ít người đến tham quan đến vậy, có lẽ là vì bọn mình đến thăm lăng vào lúc gần trưa, lúc này chỉ có bọn mình cùng 1 vị khách Tây nên trong lăng khá yên tĩnh, có chút buồn, đìu hiu. 

Có thể nói, ngoài lăng Khải Định, đây là lăng để lại nhiều ấn tượng cho mình nhất. Đi vào khu lăng tẩm của vua Đồng Khánh mình cứ nghĩ mình đang ở Đà Lạt bởi lối lên lăng là một con dốc thoai thoải được bao quanh bởi 2 đồi thông cực kỳ xanh mát và cực kỳ chill. Lúc này mình thực sự rất mệt và mỏi chân, tuy nhiên đi đến đây mình như được sống lại, gợi nhớ mình đến khu Dinh 1 vua Bảo Đại ở trên Đà Lạt  với lối vào dinh cũng được bao quanh bởi đồi thông như vậy.

IMG 7932
Cổng tam quan dẫn vào lăng tẩm của vua

Ngoài lăng tẩm của vua thì trong Tư Lăng còn có một khu lăng mộ của hoàng hậu, phi tần vua Đồng Khánh với lối kiến trúc tương tự. Vì đã khá mệt nên bọn mình chỉ xem qua qua và vì lúc này trong điểm di tích không còn ai nên bọn mình cũng hơi rén và quay trở ra để chuẩn bị đi ăn trưa. Lúc này cũng đã 12 rưỡi. Mình rất rất recommend mọi người đến tham quan lăng Đồng Khánh, lúc mình đi giá bán lẻ chỉ có 50.000 đồng thôi, nhưng năm 2023 giá đã lên đến 100.000 đồng rồi.

IMG 7930
Lối đi lên lăng vua Đồng Khánh
IMG 7935
Kiến trúc lăng có sự giao thoa về nghệ thuật
IMG 7937
Kiến trúc lăng có sự giao thoa về nghệ thuật

Bọn mình đi tìm quán ăn trưa quanh đó rồi tiện đi tiếp các lăng Minh Mạng, Gia Long luôn. Tuy nhiên đi hoài không thấy nên có quay về thành phố để tìm quán ăn. Nhưng vì đã quá giờ trưa nên cũng không tìm thấy quán nào, bọn mình cứ đi mãi thì đến chợ Đông Ba và quyết định ăn một gánh hàng rong bán bún mắm nêm khá đông khách. Lúc này, trong thành phố trời cũng bắt đầu mưa nhẹ khiến thời tiết cũng trở nên lạnh hơn.

Bún mắm nêm ở Huế gồm rau sống và phần thịt ăn cùng chính là thịt tai mũi lợn chứ không phải như ở Hà Nội. Mình không ăn mắm nêm và gọi nước mắm, đang đói nên ăn khá ngon. Tuy nhiên nhược điểm vẫn là 1 bát được quá ít, mình ăn không cảm thấy no, mà gọi thêm bát nữa thì ngại. Giá của 1 bát là 20.000 đồng.  Ăn uống xong, dù chưa no nhưng bọn mình tiếp tục di chuyển đến lăng xa nhất là lăng của vua Gia Long vì đã xem dự báo ngày mai sẽ mưa cả ngày, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Lúc này mưa có nặng hạt hơn nên bọn mình có mặc áo mưa và di chuyển. 

IMG 7944
Gánh hàng rong gần chợ Đông Ba
IMG 7946
2 tô bún giá 40.000 đồng

Mình định sẽ review cả lăng Gia Long và Minh Mạng ở bài này nhưng hiện tại bài đã quá dài. Mà hành trình khám phá 2 lăng tẩm này có khá nhiều câu chuyện xung quanh, vậy nên mình lại hẹn mọi người ở phần sau nhé.

Cảm ơn mọi người đã đọc.

share
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo bài viết mới hàng tháng tự động qua email

Bài viết liên quan