Review Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm (P1), đi biển mùa mưa bão có gì hay?
Mục lục

Review Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm (P1), đi biển mùa mưa bão có gì hay?

Bình thường đi biển mọi người sẽ lựa chọn thời gian tháng 3 - 8, vì đây là mùa khô, ít mưa bão và biển cũng ở giai đoạn đẹp nhất. Tuy nhiên mình có hơi khác người khi đi biển vào tháng 12 - mùa mưa bão của các tỉnh phía Trung. Cùng tìm hiểu vẻ đẹp của Quy Nhơn và theo chân mình khám phá thành phố trong 3 ngày 2 đêm nhé!
Review Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm (P1), đi biển mùa mưa bão có gì hay?

Di chuyển và lưu trú ở Quy Nhơn

Di chuyển

Quyết định đi Quy Nhơn của mình khá nhanh chóng, chỉ đặt vé trước 3 ngày mà thôi. Mình quyết định nhanh vì có xem thời tiết nữa, tháng 12 đa số các tỉnh miền Trung sẽ mưa bão, hiếm khi có nắng nên mình xem thời tiết thấy nắng mới book vé. Rất ít người đi biển vào mùa này bởi biển không đẹp, trời lạnh và nhiều mưa. Tuy nhiên mình thích bởi ít người, nắng không quá gắt (mình sợ nắng miền Trung dã man), hơn nữa đi biển mình cũng không tắm mà chỉ đến chơi, ngắm biển là chính nên không quá quan trọng.

Lúc đầu mình định đi Phú Yên vì đây là vùng đất mình đã muốn đi từ lâu nhưng vé máy bay mình xem khá đắt (khoảng 2 triệu đồng/người/lượt). Vậy nên mình quyết định đến Quy Nhơn vì giá vé hợp lý, đi một mình cũng tiện hơn do các điểm đi chơi cũng không quá xa nhau.

Mình đặt vé máy bay của Bamboo Airway trên website của hãng luôn, giá vé cho 2 chiều là 2 triệu đồng, đã có cả hành lý ký gửi rồi nha. Lúc đầu cũng ngại đi Bamboo do những thông tin về việc dừng bay, tiếp viên hàng không cũng nghỉ gần hết. Tuy nhiên theo mình được biết thì hãng chỉ ngừng bay quốc tế thôi, còn nội địa vẫn bay bình thường đó mọi người. Vậy nên nếu cần đi trong nước mọi người có thể yên tâm đặt Bamboo nhé. Lúc đi thì mình không thấy bị delay, nhưng lúc về thì có delay khoảng 30 phút và có thông báo trước. Về dịch vụ thì mình thấy bị thiếu phần khăn ướt cho hành khách đi trong chuyến bay. Điểm đặc biệt là cả chuyến đi và về mình cùng đều chung chuyến một cơ trưởng nên thấy khá duyên.

Mình đi Bamboo Airway giá khoảng 2 triệu đồng/khứ hồi
Mình đi Bamboo Airway giá khoảng 2 triệu đồng/khứ hồi

Bay từ Hà Nội mình đi chuyến lúc 8h15, quầy check in khá vắng vẻ. Mình không rõ là do mùa này không phải mùa cao điểm du lịch nên ít khách hay do chỉ riêng Bamboo vắng nữa. Bình thường mình đi luôn đông và chờ rất lâu mới làm được thủ tục. Tuy nhiên, đợt này có 4 quầy mà không có ai check in. Mình là khách hàng duy nhất nên mọi thứ diễn ra rất nhanh, tiết kiệm được nhiều thời gian.

Bamboo là hãng hàng không mình khá thích bởi dịch vụ xịn, máy bay sạch sẽ, êm ái,… nên hy vọng mọi thứ có thể sớm quay lại. Nếu Bamboo phải dừng lại thì chắc chắn không chỉ riêng mình và nhiều người cũng sẽ luyến tiếc.

>>>> Xem thêm: Review Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm (phần 2): Kỳ Co, Eo Gió đẹp mê hồn

Lưu trú tại Quy Nhơn

Là thành phố biển nên Quy Nhơn cũng có nhiều homestay, nhà nghỉ, khách sạn. Vì mùa thấp điểm nên mọi thứ có vẻ cũng trầm hơn. Mình book homestay của VV Homestay ở đường Nguyễn Tư. Home này mình tìm thấy tình cờ qua Facebook thôi và thấy thiết kế cũng khá ổn. Có nhiều hạng phòng khác nhau cho nhiều nhóm khách cùng các tiện ích liên quan, bạn có thể thoải mái lựa chọn. Mình chọn phòng đôi bình thường giá là 300k/đêm. Tuy nhiên vì đi một mình và cũng mùa vắng khách nên mình cũng trao đổi với bên chủ nhà để được giảm giá. Mình ở 2 đêm giá còn 270k/đêm.

Tại đây mình cũng có đặt thêm dịch vụ thuê xe máy, đặt taxi và đặt tour đi Kỳ Co, Eo Gió, cụ thể chi phí như sau:

  • Giá phòng: 300k/đêm – Giảm giá còn 270k/đêm.
  • Xe taxi sân bay Phù Cát vào thành phố: 300k/lượt – Giảm giá còn 290k/lượt.
  • Tiền thuê xe ga: 150k/ngày – Giảm giá còn 140k/ngày.
  • Tour đi Kỳ Co – Eo Gió: 690k/ngày.

Về homestay mình đánh giá cao về sự nhiệt tình của các bạn nhân viên, đồng thời cũng có những chính sách giảm giá cho khách đi lẻ một mình như mình. Đặc biệt vào ngày mình nhận phòng, các bạn có nâng hạng phòng, tức là mình được ở phòng xịn hơn với giá như cũ. Phòng sạch đẹp, chăn ga gối thơm, có ban công để chụp ảnh chill, sống ảo. Nhà vệ sinh cũng khá mới, sạch sẽ. Tuy nhiên mình thấy hơi không thích chính sách của homestay. Cụ thể, theo quy định là 14h check in, nhưng mình đến sớm, khoảng 12h mình về rồi và các bạn báo là muốn check in sớm thì sẽ tính 50k/1 giờ @_@. Ngoài ra, khi mình đi xe máy các bạn cũng nói là vào ngày trả xe thì đổ thêm xăng cho các bạn vì lúc mình nhận xe thì bình xăng còn khoảng 2 – 3 vạch. Home cũng thu tiền của khách luôn ngay khi khách nhận phòng, điều này làm mình khá bất ngờ vì thông thường chúng ta sẽ thanh toán khi trả phòng.

Đến Quy Nhơn vào một ngày nắng đẹp, nhiều gió
Đến Quy Nhơn vào một ngày nắng đẹp, nhiều gió

Mình nghĩ mùa này cũng là mùa thấp điểm ở Quy Nhơn, khách không quá đông thì có thể thoải mái hơn về vấn đề check in, như vậy khách hàng sẽ có ấn tượng tốt với home. Cách làm này của VV khiến mình thấy giống nhà nghỉ nhiều hơn. Mình không rõ các homestay khác ở các điểm du lịch khác như thế nào nhưng đợt mình đi Huế, Robin House khá thoải mái với mình. Đúng là 14h mới check in nhưng 8h sáng bọn mình đã đến rồi nên anh chị chủ nhà cũng không phụ thu gì. Vào ngày cuối bọn mình đi về, trời mưa anh chị cũng nói rằng có thể ở lại đến chiều ra sân bay vì cũng không có khách nhận phòng trong thời gian đó. Thực sự là một trải nghiệm rất tuyệt vời mà nếu có dịp đến Huế lại mình chắc chắn sẽ vẫn chọn Robin. So sánh như vậy để hy vọng VV Homestay có thể thoải mái hơn và có những chính sách tốt hơn cho khách hàng khi ghé thăm.

Ngày 1: Bay đến Quy Nhơn, đi tháp Bánh Ít, Tiểu chủng viện làng Sông

Ăn cơm gà, uống nước ép

Mình bay chuyến Hà Nội – Quy Nhơn lúc 8h45 nên có đi ra sân bay lúc 7h. Mình đi taxi từ nhà đến sân bay khoảng 45 phút. Bình thường mình sẽ đi xe buýt nhưng buổi sáng hơi vội nên có đi taxi để thoải mái hơn. Khoảng 10h thì máy bay hạ cánh tại sân bay Phù Cát, sau đó lấy hành lý và đi vào thành phố mất khoảng 60 phút. Từ sân bay vào trung tâm cũng khá xa, đi taxi cũng sẽ mất hơi nhiều thời gian một chút. Khoảng tầm 11h30 mình có đến homestay để cất đồ và nhận xe đi ăn. Lúc đầu mình định sẽ đến home nghỉ ngơi sau đó mới đi ăn rồi đi chơi vài điểm luôn, nhưng vì home nói phụ thu thêm tiền nếu nhận phòng sớm nên mình đã đi ăn luôn dù khá mệt. 

Không giống như ở Hà Nội, buổi trưa ở Quy Nhơn không có quá nhiều quán ăn. Xung quanh chỗ mình ở chỉ có những quán cơm bình dân mà mình thì không muốn ăn cơm lắm. Đi loanh quanh trong thành phố mình cũng không thấy có quán nào cả, mình vừa đi vừa search đường cũng khá mệt. Lòng vòng một hồi mình dừng chân tại một quán cơm ở gần bãi biển Quy Nhơn. Quán cơm tại đây có nhiều món khác nhau như cơm gà, cơm sườn và cơm bình dân chọn món. 

Suất cơm gà khiến mình sốc nhẹ với giá 70k nhưng rồi thấy cũng hợp lý
Suất cơm gà khiến mình sốc nhẹ với giá 70k nhưng rồi thấy cũng hợp lý

Mình gọi một suất cơm gà với giá 70k (@_@). Mình nghĩ cơm gà giá cũng tầm 40 – 50k thôi vì trong Phú Yên món ăn này cũng khá rẻ. Tuy nhiên sau khi gọi đồ và nhìn bảng giá mình đã khá sốc. Một vài khách lẻ vào gọi cơm chọn món cũng phải trả từ 70 – 100k/suất cơm. Mình không hiểu sao giá lại cao như vậy nhưng sau đó nói chuyện với một anh hướng dẫn viên trong Quy Nhơn thì mình mới biết cơm gà thì giá vậy là giá chung. Lý do thì mình nghĩ do thành phố biển không có gà, thay vào đó hải sản sẽ nhiều hơn. Mình nghĩ lại thì có lẽ đúng là như vậy, cũng như ở Hà Nội ăn hải sản cũng sẽ đắt mà thôi. Chưa kể suất cơm gà cũng khá đầy đủ, một cái đùi gà gồm cả phần má đùi và đùi tỏi khá to, ăn cũng ngon, không bị khô hay bở gì cả.

Sau khi ăn cơm gà mình đi loanh quanh và ngồi một quán nước ép vì cũng khá mệt rồi. Nước ép ở đây nhìn chung cũng giống ở Hà Nội chứ không có gì đặt biệt. Nước ép dứa cóc khá thơm, giá khoảng 20k. Tuy nhiên mọi người nói rằng nên uống nước dừa khi đến Quy Nhơn vì ở đây nhiều dừa, quả to, ngọt nước và giá khá rẻ.

Cốc nước ép cóc dứa ở Quy Nhơn làm mình như tỉnh giấc
Cốc nước ép cóc dứa ở Quy Nhơn làm mình như tỉnh giấc

Đi Tháp Bánh Ít

Khoảng 13h30 phút mình quay lại homestay nhận phòng và ngủ nghỉ, đến 14h thì chạy xe máy đến Tháp Bánh Ít. Đây là ngọn tháp nằm ở khá xa trung tâm thành phố, khoảng 30 phút đi xe. Đường đi thì cũng khá dễ tuy nhiên nếu bạn tay lái không vững thì có thể bị ngã bởi gió biển cực kỳ to. Mình đi mà gió như muốn tạt ngã mình khiến mình khá là rén luôn.

Tháp Bánh Ít nằm ở huyện Tuy Phước chứ không ở trong thành phố. Đây là quần thể gồm 4 tháp khác nhau và nằm trên đỉnh núi. Bạn sẽ cần leo lên qua các bậc thang để khám phá được các tháp này. Theo đánh giá thì từng ngọn tháp không lớn nhưng kiến trúc của tháp nằm trên 1 quả đồi to nên nó khá đồ sộ, khoảng 75 mét. Hơn nữa tại đây bạn sẽ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bình Định một cách hùng vĩ.

Tháp Bánh Ít là quần thể các tháp cực kỳ đẹp, chứng nhân lịch sử, vô cùng hùng vĩ
Tháp Bánh Ít là quần thể các tháp cực kỳ đẹp, chứng nhân lịch sử, vô cùng hùng vĩ

Tháp Bánh Ít được xây dựng ở cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, đây là giai đoạn phong cách chuyển từ Mỹ Sơn A1 sang Bình Định. Tháp mà mọi người nhìn thấy hiện tại là bản tu sửa dựa theo kiến trúc cũ vì tháp gốc đã bị tàn phá bởi chiến thanh.

Cái tên Bánh Ít là bởi mọi người nhìn tổng thể tháp từ phía xa sẽ thấy giống có tạo hình của chiếc bánh ít. Còn từ xưa, người Pháp gọi với cái tên Tour d’argent hay còn gọi là tháp Bạc. Các tháp mang đậm kiến trúc của người Chăm pa với màu đỏ vàng là chủ yếu. Trên tháp cũng có các cây cỏ mọc xung quanh nên cảm giác có chút cổ kính và là dấu tích cho một vương quốc thịnh vượng ngày xưa.

Khi thăm tháp Bánh Ít mình có gặp 2 bạn trẻ đi chơi cùng nhau, 2 bạn cũng ở gần với chỗ nhà mình ở Hà Nội nên thấy khá có duyên. Sau này khi bay về Hà Nội mình cũng gặp lại 2 bạn, 2 bạn cũng bằng tuổi mình luôn nên thấy khá bất ngờ. Tháp khá đẹp nha mọi người, bạn có thể chụp được nhiều kiểu sống ảo ở đây. Mình đi một mình nên không có nhiều ảnh đẹp thấy cũng hơi buồn.

Giá vé tham quan: 15.000 đồng + 3.000 đồng gửi xe máy.

Đến tháp và nhìn toàn cảnh thành phố vô cùng hùng vĩ
Đến tháp và nhìn toàn cảnh thành phố vô cùng hùng vĩ

Tiểu chủng viện làng Sông

Trên đường về thành phố mình có đến Tiểu chủng viện làng Sông. Nói thật là khi ở tháp Bánh Ít mình khá mệt vì chạy xe mệt, leo các bậc thang mệt nhưng khi đến Tiểu chủng viện mình thấy thoải mái và yên bình hơn nhiều, có lẽ do không khí ở đây mang lại. Tiểu chủng viện làng Sông nằm yên bình giữa ruộng đồng, sông nước của huyện Tuy Phước. Nhiều thông tin cho biết đây là nơi có nhà in và lưu trữ chữ Quốc Ngữ đầu tiên của nước Việt Nam. Nhưng bạn mình ở Phú Yên bảo thông tin này sai, nhờ thờ ở Phú Yên mới là nơi đầu tiên nên mình cũng không rõ như thế nào.

Thiết kế nổi bật nhất của Tiểu chủng viện làng Sông mà mình chụp ảnh xấu quá :(
Thiết kế nổi bật nhất của Tiểu chủng viện làng Sông mà mình chụp ảnh xấu quá 🙁

Hai bên lối vào của Tiểu chủng viện là những hàng cây xanh mát 100 tuổi, càng vào trong càng thấy xanh mượt, yên bình và thoải mái. Đặc biệt là những cơn gió biển của vùng đất này khiến mình thoải mái hơn, mát mẻ hơn, tuy nắng mà không nóng.

Vào đây yên bình lắm nha mọi người
Vào đây yên bình lắm nha mọi người

Công trình tiêu biểu nhất có lẽ là nhà nguyện ở chính giữa, hai bên là hai dãy nhà – nơi làm việc của các tu sĩ. Tổng thể công trình có dấu ấn kiến trúc Gothic đặc trưng do người Pháp xây dựng. Ở hành lang có những cột và cửa vòm ở ban công cực kỳ nổi bật. Mình thì chỉ tham quan ở ngoài và chụp vài kiểu ảnh thôi chứ không đi hẳn vào trong để xem. Nhìn chung đây là một công trình đẹp, yên bình, xanh mượt và thoải mái, rất đáng để tham quan nếu bạn đến Bình Định chơi.

Mình đi một mình nên không chụp được nhiều ảnh, nhưng nếu bạn đi với một người biết chụp ảnh thì tại đây chắc chắn sẽ cho bạn nhiều tấm ảnh sống ảo cực kỳ xịn đó.

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử

Khoảng 15h mình quay lại trung tâm thành phố để đến mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Di tích nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, Tiên Sa của thành phố Quy Nhơn, mình đi từ Tiểu chủng viện quay lại mất khoảng 30 – 40 phút do vừa đi vừa tìm đường.

Trước đi đến thăm mộ mình có chút kỳ vọng nó sẽ giống như lăng mộ các vị vua ở Huế nhưng mình đã sai rồi. Nghĩ lại thì một bên là lăng của vua một nước, một bên chỉ là một nhà thơ thôi, không thể so sánh như vậy được.

Một của nhà thơ chỉ là một mảnh đất vuông hình chữ nhật bình thường. Để lên mộ bạn sẽ đi qua những bậc thang với hai bên là những tán cây canh mát. Xung quanh một được ốp đá hoa và phía trên có tượng của Đức Mẹ Maria đang hiền từ nhìn xuống. 

Mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử mà mình chụp ảnh sida quá
Mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử mà mình chụp ảnh sida quá

Khi mình đến thì cũng không có khách tham quan nhiều lắm, chỉ có một mình mình mà thôi nên cũng hơi sợ. Có lẽ do lúc này thời gian cũng đã muộn rồi nên ít khách hoặc do thời điểm tháng 12 khách du lịch không quá nhiều. Vì hơi mệt nên mình không ở lại quá lâu, sau 10 – 15 phút mình chạy xe trở về lại homestay để nghỉ ngơi. Trên đường đi mình mua 1 cốc trà quất siêu to khổng lồ giá 10k mà uống 2 ngày không hết.

Đi ăn tối

Sau khi rời lăng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, mình chạy xe ra bãi biển thành phố ngồi chill chill vậy thôi. Tiếc là không thể đón được hoàng hôn tại đây. Sau đó thì kiếm quán ăn tối thôi vì bụng cũng bắt đầu réo rồi.

Biển Quy Nhơn, mọi người đến đây tắm mắt, đánh bóng chuyền vui lắm luôn
Biển Quy Nhơn, mọi người đến đây tắm mắt, đánh bóng chuyền vui lắm luôn

Bún trộn thịt nướng

Quy Nhơn nổi tiếng nhất có lẽ là bánh xèo tôm nhảy và mình cũng định đi ăn món ăn này. Trước đó mình có đi loanh quanh xem có bún phở gì đặc biệt không mà không thấy nên có gọi 1 suất bún trộn thịt nướng. Giống như ở Huế bún trộn cực kỳ cay luôn, mình vừa ăn vừa khóc. Bún trộn gồm thịt nướng, giò chả, các loại rau thơm, lạc rang trộn cùng nước lèo.

Mình nghĩ để ăn chơi chơi thì oke, nó cũng không khiến bạn bị no quá. Giá bán cũng chỉ khoảng 20k thôi nên có thử khi đến với Quy Nhơn bạn nhé.

Địa chỉ: 1 quán nào đó trên đường Nguyễn Lữ

Suất bún thịt nướng 20k cay xé lòng
Suất bún thịt nướng 20k cay xé lòng

Bánh xèo

Mình không ăn được tôm nên không gọi bánh xèo tôm nhảy và gọi bánh xèo trứng với bò. Lúc này mình cảm giác như bánh xèo này là phiên bản to hơn của bánh căn mà mình từng ăn trong Đà Lạt, cũng nhân tôm thịt, trứng, bò…. khá đa dạng.

Bánh xèo được ăn kèm với rau sống thơm ngon, nước chấm ớt hơi cay cay, tất cả gói trong một chiếc bánh tráng khô (khi ăn bạn cần nhúng bánh tráng vào nước để dễ cuốn). Một chiếc bánh xèo sẽ được cắt thành 3 miếng nhỏ để bạn dễ gói nhưng mình thấy vẫn hơi to, nên cắt làm 4 thì dễ hơn.

Bánh xèo trứng thì dễ ăn còn bánh xèo thịt bò mình thấy nhiều bò quá. Khi ăn mình thấy cũng hơi nhiều bột và mỡ nên ăn hơi bị ngấy, mình thích ăn kiểu giòn rụm hơn. Tuy nhiên vẫn là một trải nghiệm nên thử khi đến với Quy Nhơn. Vì trước đó ăn bún rồi nên mình thấy bị no quá trời luôn. Nếu đi một mình bạn chỉ nên gọi 2 bánh ăn là no cho cả buổi tối rồi, không cần ăn thêm gì nữa.

Bánh xèo như phiên bản to hơn của bánh căn
Bánh xèo như phiên bản to hơn của bánh căn

Đi chơi một mình nên việc ăn uống cũng hơi buồn một chút.

Quán Bánh xèo Anh Vũ, giá bán: 10k/bánh trứng, 35k/bánh tôm nhảy và bánh bò.

Sữa đậu sương sáo

Ăn bánh xèo xong mình có đi mua 1 cốc sữa đậu sương sáo. Nghe mọi người nói đậu xanh uống sẽ ngon hơn nhưng mình nghĩ mình hợp sữa đậu. Quán nổi tiếng nhất là quán Sương sáo cô Năm và quán cô Sáu bên cạnh luôn, nằm trên đường Xuân Diệu. 2 quán rất đông khách, phải xếp hàng để mua.

Thức uống này được làm bằng cách say sương sáo cùng nước đậu để tạo ra một cốc nước thơm ngon giá 12.000 đồng. Vì Hà Nội không có món này nên mình cũng muốn thử xem sao và thấy khá ổn. Bạn có dịp đến Quy Nhơn có thể thử nhé.

Mình ăn uống no nê chán chê rồi đi về phòng nghỉ ngơi vào lúc 20h để chuẩn bị ngày mai đi Kỳ Co, Eo Gió. Hẹn mọi người trong phần tiếp theo mình review 2 điểm cực hot này ở Quy Nhơn nhé.

share
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo bài viết mới hàng tháng tự động qua email

Bài viết liên quan