Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 1)
Mục lục

Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 1)

Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 1)

Huế là vùng đất cố đô với nhiều di tích của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam là triều Nguyễn. Mình đã muốn đến Huế từ rất lâu rồi nhưng bây giờ mới có cơ hội. Hầu hết mọi người sẽ đến Huế theo tour Huế – Đà Nẵng – Hội An. Nhưng vì quá thích Huế nên mình quyết định dành trọn 4 ngày để khám phá vùng đất này.

Xem thêm

Di chuyển đến Huế

Có rất nhiều cách để di chuyển từ Hà Nội đến Huế, trong đó phổ biến nhất là đi tàu và đi máy bay. Mình đặt vé máy bay trước khoảng 1 tháng trên Traveloka. Lúc đi bọn mình bay Vietjet còn lúc về bay Vietnam Airline. Vì tháng 12 là không phải là mùa du lịch ở Huế nên các hãng khai thác chuyến bay khá ít, giờ bay cũng khá oái ăm. 

review hue 3
Bọn mình bay Vietjet lúc đi

Lúc đi mình bay chuyến 6h40 nên phải đến sân bay từ 5 giờ để làm thủ tục. Lúc về thì bay chuyến 18h40 nên cũng 20h mới xuống sân bay và cũng 21 – 22h mới về đến nhà. Đi như vậy khá mệt vì phải dậy sớm và về muộn, tuy nhiên đây là giờ tối ưu nhất bọn mình lựa chọn được. Đi sớm về muộn nên thời gian chơi ở Huế cũng dài hơn và trải nghiệm thêm nhiều thứ hơn.

Mình đi 2 người tổng cộng hơn 4 triệu tiền vé, bao gồm vé khứ hồi cho 1 người, mua thêm 20kg hành lý tại chuyến đi của Vietjet cùng bảo hiểm chuyến bay. Mình bay 2 lần Vietjet thấy không hề bị delay như mọi người vẫn nói, chuyến bay cũng khá nhanh, khoảng 45 phút là đã thông báo chuẩn bị đáp chuyến bay rồi.

Sau khi xuống sân bay, bọn mình đi taxi về homestay ở khu vực Hàn Mạc Tử, giá là 190.000 đồng/lượt.

Thời tiết tháng 12 ở Huế

Tháng 12 ở Huế là mùa mưa bão, mưa ở Huế thì khá dai dẳng, mưa không ngừng nghỉ chút nào. Mọi người nói mưa là nét đặc trưng của Huế nhưng mưa nhiều quá khiến lịch trình di chuyển của bọn mình không được như kế hoạch. 

Ngày đầu tiên và ngày thứ 2 mình đến Huế, thời tiết khá ấm áp, khoảng 23 độ vào ban ngày, không có mưa nên bọn mình đã tranh thủ đi hết những điểm di tích nổi bật ở trong và ngoài thành phố. Đến ngày thứ 3 và ngày thứ 4, trời mưa liên tục nên bọn mình chỉ loanh quanh trong thành phố, đi ăn, đi cafe.

review hue
Tháng 12 đúng vào mùa mưa ở Huế

Tháng 12 nếu có không khí lạnh thì Huế sẽ khá lạnh, khoảng 15 độ, kèm mưa và gió nên cảm thấy khá buốt, đi xe máy cũng khá bất tiện. Tuy nhiên, mùa này khách du lịch ít nên đi thăm các điểm di tích và chụp ảnh sẽ không bị quá đông. Hơn nữa, các điểm tham quan ở Huế khá rộng, đi vào tháng 12 này sẽ không bị mệt như đi vào những ngày mùa hè.

Lưu trú ở Huế

Huế có nhiều khách sạn và homestay giá từ thấp đến cao, bọn mình đặt phòng tại RobinHouse Homestay (https://www.facebook.com/rbhouse.vn) ở đường Hàn Mạc Tử, khu vực đập Đá và rất gần trung tâm thành phố, khu phố Tây. Mình tìm thấy home ở trên booking.com, sau đó có inbox fanpage và đặt phòng. Giá thuê phòng là 300.000 đồng/đêm, home có dịch vụ thuê xe máy (150.000/ngày đối với xe lead), dịch vụ giặt đồ và hỗ trợ đưa đón taxi sân bay.

Mình đặt home rất nhanh và cực kỳ hài lòng vì Robin thiết kế lối đi riêng, không chung với chủ nhà. Home cũng khá yên tĩnh, sạch sẽ, mỗi ngày đều có người đến dọn dẹp. Ngoài ra, anh chủ cũng cực kỳ nice, thân thiện và nhiệt tình. Anh chủ home đang làm việc tại Hà Lan và đang trong kỳ nghỉ 3 tháng nên có về nước. Anh hướng dẫn bọn mình rất nhiều về địa điểm ăn uống, check in cũng như những điểm di tích cần đến. Ngoài ra, homestay cũng có bếp để bạn tự nấu ăn, mình thấy khá tiện lợi. Sau tất cả những nơi mình từng đi, những homestay mình đã ở thì RB House vẫn là homestay mà mình ưng ý nhất, đánh giá 10/10 luôn.

review hue 2
Homestay mình ở tại Huế

Ngày 1: Thăm Đại nội Huế và Bảo tàng cung đình Huế

Đi ăn sáng bún bò Huế

Bọn mình về đến homestay khoảng 9h sáng, vì sáng đi sớm nên chưa ăn gì nên bọn mình quyết định sẽ đi ăn sáng ở gần đó. Anh chủ nhà có gợi ý bọn mình ăn bún bò huế bà Tuyết ở đường Nguyễn Công Trứ.

Bún bò huế là món ăn mà ở Hà Nội hầu như tuần nào mình cũng ăn một lần, nhưng mình cũng khá kén ăn, chỉ ăn bún với bò, giò, móng. Trước khi đi Huế 2 tuần mình đã không ăn bát bún bò nào để dành vào Huế ăn cho thả ga. Và tất nhiên, bún bò ở Huế không làm mình thất vọng.

Ở Hà Nội, bún bò sử dụng sợi bún to, topping gồm tiết luộc, thịt bò, móng giò lợn, chả cua, giò,… Tuy nhiên ở Huế, bún bò sử dụng sợi bún nhỏ, không hề có móng giò mà thay vào đó là miếng thịt chân giò đã ninh nhừ hoặc xương của lợn đã được hầm kỹ. Nước dùng thì cực kỳ ngon, khác hẳn với mùi vị ở Hà Nội. Đặc biệt, đồ ăn ở Huế rất cay, mình không thêm ớt mà ăn đã cay xé lòng rồi bởi nước dùng đã được thêm ớt.

IMG 7729
Bún bò Huế khác lạ so với ở Hà Nội

Bọn mình gọi suất đầy đủ ăn cho biết và giá là 50.000 đồng/bát. Quán phục vụ nhanh, khá đông khách, có kèm thêm sữa đậu bán với giá 5.000 đồng/cốc.

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế chắc chắn là địa điểm không thể bỏ qua khi đến với thành phố Huế. Đây là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam từ năm 1802 – năm 1945.

Kinh thành được xây dựng vào năm 1805 từ thời vua Gia Long và phải đến năm 1832 – thời vua Minh Mạng mới hoàn thành. Do thời gian và cũng do tác động của những cuộc chiến tranh, nhiều công trình trong kinh thành đã bị sụp đổ và được tu sửa lại để phục vụ khách du lịch.

Nếu so với Cố cung của Trung Quốc thì Kinh thành Huế thực sự nhỏ bé, nhưng để khám phá hết các kiến trúc, câu chuyện đằng sau mỗi công trình thì thực sự một buổi chiều là không đủ. Kinh thành rất rộng, chia thành nhiều khu khác nhau, từ Tử Cấm Thành đến khu vực nhà vua nghỉ ngơi, vua đọc sách, thư giãn….. Khi đến đây, bọn mình có nghe các hướng dẫn viên nói rằng: Nếu đi vào mùa Hè thì phải uống hết 3 – 4 chai nước mới có sức để đi hết khu cả Kinh thành này.

review hue 4
Ngọ môn và lầu Ngũ Phụng

Vé vào Kinh thành Huế sẽ là 200.000 đồng/người (đã bao gồm 50.000 vé vào Bảo tàng cung đình Huế). Tại đây bạn có thể mua vé gộp 3 – 4 điểm di tích để tiết kiệm chi phí. Vì dự định đi nhiều, mình đã mua vé gộp 10 điểm di tích  giá 560.000 đồng/người gồm:

  • Kinh thành Huế
  • Lăng Khải Định
  • Lăng Minh Mạng
  • Lăng Gia Long
  • Lăng Tự Đức
  • Lăng Đồng Khánh
  • Lăng Thiệu Trị
  • Cung An Định
  • Đàn Nam Giao
  • Điện Huệ Nam

Trong số 10 điểm này, mình đã không đi được lăng Thiệu Trị, Đàn Nam Giao và Điện Huệ Nam vì lý do thời tiết, những điểm này cũng khá xa trung tâm nên việc di chuyển cũng khá khó khăn.

review hue 5
Bảng giá các điểm tham quan theo tuyến

Quay trở lại với Kinh thành Huế. Để vào Kinh thành, bạn có thể đi qua nhiều cửa khác nhau, bọn mình đi vào bằng cửa Quảng Đức, gửi xe và mua vé rồi vào kinh thành. Tại đây, bạn có thể thuê hướng dẫn để giới thiệu về các điểm và các câu chuyện liên quan. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua audio guide (Khách quốc tế: 100.000/người, khách trong nước 50.000 đồng/người). Bên cạnh đó, khi mua vé bạn cũng nhận được sơ đồ, bạn nhớ đi theo chỉ dẫn để không bỏ sót bất kỳ điểm tham quan nào.

Để vào kinh thành, bạn sẽ đi qua Ngọ môn.  Đây là cửa chính của Hoàng thành và là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, phức tạp. Từ xa nhìn lại, Ngọ Môn như một tòa lâu đài tráng lệ, nguy nga với hệ thống bậc cấp được xây dựng từ phiến đá dài lộ thiên dẫn đến lầu Ngũ Phụng. Đây có lẽ chính là công trình thể hiện rõ nhất kiến trúc của cung đình triều Nguyễn cho đến tận ngay hôm nay. 

Khu vực này cũng chính là nơi thu hút nhiều khách chụp ảnh check in. Thời gian mình đi, khách trong nước khá ít, chỉ có khách nước ngoài. Thậm chí có những khách chỉ đi qua để chụp ảnh chứ không mua vé để vào bên trong.

review hue 6
Lối vào điện Thái Hòa nhưng mình chụp từ trong ra

Sau khi đi qua Ngọ môn, bọn mình đi theo chỉ dẫn bản đồ đến Thế Hiếu, Hưng Miếu, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Vườn Cơ Hạ, Nhà hát Duyệt Thị Đường, Phủ Nội Vụ, Thái Bình Lâu, Điện Phụng Tiên…. cùng nhiều di tích khác. Lối ra sau khi tham quan tất cả những địa điểm này sẽ là cửa Hiển Nhơn – công trình được xây nguyên mẫu lại dưới thời vua Khải Định và dành cho quan lại, hoàng tộc trong triều đi lại.

review hue 7
Cổng Tam Quan
review hue 10
Thái Bình Lâu
review hue 9
Kiến trúc cung đình tuyệt đẹp
review hue 11
Một chiếc ảnh chụp vội
review hue 13
Nhà hát Duyệt Thị Đường

Tổng thể Kinh thành được xây dựng theo các lớp không gian, mỗi lớp là một tổng thể với hàng trăm công trình lớn nhỏ khác nhau. Khi bước vào đây, mình cảm thấy có chút lạ mà cũng quen bởi những trang trí có nét phương Đông nhưng cũng pha chút phương Tây. Có lẽ là bởi công trình được xây dựng vào giai đoạn giao thoa giữa lúc văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước ta.

Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những Cổng tam quan, hình tượng rồng, con Nghê và đặc biệt là ngói hoàng lưu ly đã tạo nên những công trình tuyệt đẹp ở trong Kinh thành Huế. Mình ấn tượng nhất với kiến trúc của Thái Bình Lâu và dãy Trường Lang với kiến trúc gỗ sơn son thiếp vàng cực kỳ nổi bật. Khi đến Huế mình đã không chú ý đến kiến trúc này nên có chọn trang phục màu đỏ, chính vì thế khi chụp ảnh không được nổi bật, trông mình như “tàng hình”. Vậy nên bạn chú ý nếu muốn có một bộ ảnh đẹp thì không nên mặc đồ màu đỏ vào Kinh thành Huế nhé.

review hue 8
Kiến trúc sơn son thiếp vàng
review hue 12
Review Huế chi tiết 4 ngày 3 đêm (Phần 1) 23
review hue 15
Con Nghê???

Lần này, mình tiếc nhất khi thăm Kinh thành Huế là không được tham quan Điện Thái Hòa và điện Kiến Trung vì 2 công trình này đang được tu sửa lại. Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của 13 vị vua nhà Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại. Đây cũng là nơi tổ chức những buổi triều nghi quan trọng như: Lễ đăng quang của Vua, sinh nhật Vua, đón tiếp sứ thần,…. Trong khi đó, điện Kiến Trung xây từ thời Vua Khải Định – nơi làm việc, sinh hoạt của vua. Không hiểu sao mình rất thích tham quan những công trình được xây từ thời vua Khải Định, bởi ông có một cá tính nghệ thuật rất riêng, các công trình đều kết hợp nhiều kiến trúc từ Pháp, Phục hưng, Ý, đến kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Tiêu biểu nhất chính là lăng của ông – Ứng Lăng.

Đến Kinh thành Huế mình cảm thấy vô cùng tự hào và cũng ngưỡng mộ vì ông cha ta ngày xưa đã tài giỏi, khéo léo để xây dựng lên một công trình hoàn hảo về cả phong thủy cũng như kiến trúc. Thực sự một buổi chiều mình thấy là không đủ đến tìm hiểu hết về những câu chuyện bên trong Kinh thành Huế. Nếu có cơ hội đến Huế một lần nữa, chắc chắn mình sẽ thuê audio guide hoặc hướng dẫn viên để có thể hiểu hơn về công trình đồ sộ và độc đáo này.

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (Điện Long An)

Sau khi ra khỏi Kinh thành bởi cửa Hiển Nhơn, bọn mình đi đến Bảo tàng cung đình Huế hay còn gọi là Điện Long An cách đó khoảng 200m. Lúc này đã là 16h30 và bọn mình cũng khá mệt và mỏi chân. Mình tự nghĩ nếu đi vào mùa Hè với cái nắng cháy da cháy thịt của miền Trung thì liệu còn sức để đi tiếp vậy không.

Bảo tàng được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị, còn gọi là Điện Long An. Sau nhiều biến cố, vua Khải Định đã ban sắc lệnh thành lập bảo tàng và dùng để trưng bày những hiện vật quý. Tại đây lưu giữ rất nhiều hiện vật về thời nhà Nguyễn, thể hiện được cuộc sống của vua chúa ngày xưa.

review hue 21
Trích lời vua Khải Định

Đến đây bạn sẽ thấy bảo tàng trưng bày theo từng khu: Khu đồ dệt, khu đồ chơi vương giả, Trang phục vua chúa, các cổ vật cung đình, bộ sưu tập gốm sứ, bộ sưu tập tiền cổ…. Vì bảo tàng không cho phép chụp ảnh nên mình cũng không có nhiều tư liệu về bảo tàng này. Hơn nữa, lúc này mình cũng khá đuối nên không còn sức để xem kỹ từng cổ vật trong bảo tàng.

Nếu đến Huế và đã mua vé vào Đại Nội thì bạn đừng bỏ qua bảo tàng để hiểu rõ hơn về cuộc sống của vua chúa nhà Nguyễn – triều đại gần với chúng ta nhất.

Ăn chơi buổi tối

Sau khi kết thúc một buổi chiều tham quan Kinh thành Huế, bọn mình đi đến chợ Đông Ba để ăn tối. Vào buổi chiều tối, ở chợ bán khá nhiều đồ ăn, phổ biến nhất là bún thịt nướng, nem lụi, bánh xèo (ở Huế gọi là bánh khoái), ốc nóng,….

review hue 20
Nem lụi bánh xèo
review hue 18
Bánh xèo (bánh khoái)

Bọn mình gọi 2 bánh xèo, 2 nem lụi và 2 bát bún thịt nướng. Bánh xèo ở Huế không dậy mùi tôm như ở Hà Nội, bánh khá to nên cuốn khá khó vậy nên mình ăn bình thường chứ không cuốn. Nem lụi mình thấy ăn hơi nguội, cũng khá giống vị ở Hà Nội. Tuy nhiên nước chấm khá cay, mình đã bỏ hết ớt đi nhưng vẫn cực kỳ cay. Bản thân không ăn được cay nên thấy vô cùng kinh khủng. Bún thịt nướng ở Huế có dùng nước lèo, nước mắm thường và mắm nêm. Mình gọi nước mắm thường và cảm giác ăn vẫn là rất cay. Nước lèo khi ăn sẽ cảm thấy hơi ngán, dễ bị chán và đầy bụng.

review hue 22
Bún thịt nướng

Đồ ăn ở Huế thì giá rẻ, tuy nhiên mình thấy được khá ít. Ví dụ như 1 bát bún thịt nướng có 20.000 đồng nhưng bún ít, chủ yếu là rau và tô bún cũng khá nhỏ. Với sức ăn của mình có lẽ 2 bát mới đủ no =))))

Bọn mình cũng ăn thêm 1 cốc chè ở quán gần đó. Chè Huế khá nổi tiếng với món chè bột  lọc heo quay nhưng mà mình thấy cứ sai sai, sợ ăn xong đau bụng nên không gọi. Mình gọi chè thập cẩm ăn cũng thấy bình thường, cũng giống chè ở Hà Nội không có gì khác biệt. Giá 1 cốc chè là 15.000 đồng.

review hue 19
Chè Huế

Sau khi ăn uống no nê, bọn mình quay trở lại homestay tắm giặt, nghỉ ngơi sau một buổi chiều đi hơi nhiều và lên phố Tây chơi. Phố Tây buổi tối nhạc rất to, nhiều khách Tây đến ăn uống và nhậu. Cũng có lẽ vì thế nên gọi đây là khu phố Tây. Vì đã ăn tối nên bọn mình chỉ gọi 2 chai bia uống chơi chơi, ngắm nhìn thành phố vào ban đêm. Sau đó vì thời tiết khá lạnh, nhiệt độ xuống khá sâu và cũng vì hơi mệt nên bọn mình quay trở về homestay, kết thúc 1 ngày tham quan Kinh thành Huế.

review hue 16
Bia trên phố Tây

Ở ngày thứ 2, bọn mình có ghé thăm 5 lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn gồm: Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng. Trên đường đến lăng Gia Long bọn mình đã gặp rất nhiều chuyện dở khóc dở cười, hẹn mọi người ở bài viết sau nhé!

share
Đăng ký
Thông báo về
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Không ai khác ngoài Tài
Quản trị viên
1 Năm Trước đây

Hóng phần tiếp theo quá

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo bài viết mới hàng tháng tự động qua email

Bài viết liên quan