Review foodtour Hải Phòng: Ngon, bổ, rẻ
Mục lục

Review foodtour Hải Phòng: Ngon, bổ, rẻ

Những năm gần đây, đi food tour Hải Phòng được biết đến như một trend của giới trẻ. Thậm chí, thành phố Hải Phòng còn xuất bản 1 bản đồ food tour để khách du lịch dễ dàng theo dõi và đến được những địa điểm hot của thành phố này. Cuối tháng 2 vừa qua mình có đến Hải Phòng ăn chơi, nhưng chủ yếu là ăn nhiều hơn.
review-foodtour-hai-phong

Những năm gần đây, đi food tour Hải Phòng được biết đến như một trend của giới trẻ. Thậm chí, thành phố Hải Phòng còn xuất bản 1 bản đồ foodtour để khách du lịch dễ dàng theo dõi và đến được những địa điểm hot của thành phố này. Cuối tháng 2 vừa qua mình có đến Hải Phòng ăn chơi, nhưng chủ yếu là ăn nhiều hơn. 

Di chuyển đến Hải Phòng

Quyết định đi Hải Phòng của mình khá nhanh, đầu tuần hẹn thì cuối tuần đi luôn. Mình chọn di chuyển đến đây bằng tàu hỏa. Trước đó mình chưa từng được đến Hải Phòng bao giờ nên không biết thành phố này có xa không và di chuyển thế nào là hợp lý nhất. Nhiều bạn bè khuyên mình nên đi bằng xe khách theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho nhanh. Cũng có nhiều bạn khuyên bọn mình đi bằng xe máy để trải nghiệm. Tuy nhiên vì nghèo và vì lười nên mình lựa chọn tàu cho chuyến đi lần này. 

Đi tàu đến Hải Phòng là trải nghiệm đáng thử
Đi tàu đến Hải Phòng là trải nghiệm đáng thử

Lúc đầu mình có vào website của Đường sắt Việt Nam để đặt vé nhưng giao diện hơi khó nhìn và web cũng lỗi nên không thể đặt được vé. Sau đó mình có lên ví điện tử Momo xem thử. Vì lần đầu đi tàu nên mình cũng không biết nên ngồi ghế số mấy, toa nào. Sau đó thì mình chọn ngẫu nhiên ghế ở toa số 5. Theo như mình thấy thì giá vé ở những toa 1, 2, 3 sẽ cao hơn những toa sau đó, không biết lý do tại sao. Vì sáng hôm thứ 7 mình vẫn phải đi làm nên mình đi chuyến 15h xuất phát từ ga Hà Nội, đến Hải Phòng là 18h. Nếu muốn thong thả bạn có thể đi chuyến 9h30 sáng và đến thành phố lúc 12h là tốt nhất.

Mình chọn ghế mềm, điều hòa ở toa số 5, giá vé là hơn 100.000 đồng/người/lượt (hình như là 109.000 đồng mình không nhớ rõ). Vậy chi phí đi lại bằng tàu hỏa khứ hồi là khoảng 200.000 đồng/người. Vì đặt trên Momo nên mình mất thêm khoảng 2.000 đồng tiền phí cho mỗi lượt mua vé.

Lưu trú tại Hải Phòng

Hải Phòng phát triển nhanh và rất đông khách du lịch nên việc các nhà nghỉ, khách sạn, homestay mọc lên cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên vì đặt trước ngày đi có 5 ngày nên mình hỏi ở đâu cũng kín phòng. Chỉ có một vài phòng còn lại nhưng mình không ưng lắm, tuy nhiên vì sợ đến Hải Phòng sẽ không tìm được chỗ ở nên bọn mình có đặt tại Green Home Hotel. Và có lẽ đây là quyết định sai lầm nhất trong chuyến đi Foodtour lần này của mình.

Green Home có 2 cơ sở, mình không rõ cơ sở 1 ở đâu nhưng mình ở cơ sở 16 Đồng Thiện, Quận Lê Chân, gần với Aeon Mall Lê Chân. Giá vé 1 đêm là 350.000 đồng. Phòng đã quá cũ kỹ mà không được sửa sang, phòng cũng khá ẩm ướt, cảm giác như không được dọn dẹp. Lúc bọn mình đến cũng phải chờ mất 15 phút vì lễ tân đi vắng. Thực sự lúc đó mình đang hơi mệt nên việc phải chờ đợi khiến mình rất bực bội. 

Và không biết có phải do vệ sinh ở phòng không sạch hay do mình không hợp nước ở Hải Phòng nhưng đêm đó mình đã bị ngứa khắp người không thể ngủ nổi. Phòng cũng khá bí bách và nóng khiến mình khá khó chịu. Nhìn chung đây là một trải nghiệm khá tệ đối với mình khi thuê phòng ở đây. Mình khuyên mọi người nếu có đến Hải Phòng thì nên tránh Green Home vì thực sự mình đi du lịch chỉ muốn thoải mái, như là đi để đổi địa điểm ngủ. Nhưng với Home này mình chỉ thấy mất ngủ thêm.

Trải nghiệm đi tàu từ Hà Nội đến Hải Phòng

Lần đầu đi tàu nên mọi thứ với mình thực sự rất mới lạ. Bọn mình đi xe buýt 32 từ Xuân Thủy đến Ga Hà Nội rất nhanh, chỉ mất khoảng 20 phút đã đến rồi. Gà Hà Nội còn được nhiều người biết đến với cái tên ga Hàng Cỏ, được xây dựng từ năm 1902. Mình thấy ga mặc dù không quá rộng nhưng đủ để mọi người làm thủ tục cũng như chờ đợi đến giờ tàu chạy.

Đi tàu khá thoải mái và chi phí cũng vừa tầm
Đi tàu khá thoải mái và chi phí cũng vừa tầm

Theo như hướng dẫn của Cục đường sắt thì nếu mua vé online thì cần in vé tàu tự động tại quầy và đưa cho người soát vé. Tuy nhiên bọn mình tìm khắp ga mà không thấy cây in vé tự động nào. Mình hỏi các cô của nhà ga thì biết là nếu mua vé online thì chụp màn hình và đưa cho người soát vé là được. Nhân viên nhà ga cũng không kiểm tra giấy tờ tùy thân, mọi người chỉ cần có vé với đúng tên tàu chạy, đúng thời gian là được.

Ghế trên tàu là ghế đôi, cá nhân mình thấy ngồi khá thoải mái, có ổ cắm để sạc pin điện thoại và có cả móc treo đồ khá tiện lợi. Tàu di chuyển trong thành phố khá chậm do đi qua khu vực nhà dân. Ngồi trên tàu mới thấy tàu đi rất sát khu vực nhà dân và những người đứng ra để chụp ảnh tàu thực sự khá nguy hiểm. Lúc đó mình mới hiểu lý do vì sao thành phố làm chặt vụ việc những quán cafe đường tàu đến vậy.

Tàu đi qua ga Long Biên, ga Gia Lâm rồi đến các ga ở Hưng Yên và Hải Dương. Mỗi ga sẽ có khách lên và xuống, tàu thường dừng từ 3 – 7 phút. Trên chuyến tàu từ Hà Nội đến Hải Phòng, mình không thấy trên tàu có người hướng dẫn hoặc có loa thông báo các điểm dừng nên không biết đang ở đâu và bao lâu nữa sẽ đến nơi. Ngược lại, tàu đi Hải Phòng về Hà Nội thì có loa thông báo, hướng dẫn khá cụ thể và rõ ràng.

Sau khi ngồi trên tàu khoảng 3 tiếng thì cuối cùng mình cũng đến thành phố Hải Phòng. Cũng giống như ở Hà Nội, tàu đi qua các khu vực nhà dân nên đi khá chậm rãi để tránh những tai nạn không đáng có. Theo cảm nhận về lần đầu đi tàu thì mình thấy khá thoải mái, thời gian đi cũng không phải quá là lâu. Nếu như có thể thay thế những toa tàu mới hơn thì chắc chắn tàu sẽ tốt hơn và được nhiều người dân lựa chọn hơn. Chắc chắn mình sẽ đi lại tàu hỏa nếu có dịp.

Đến Hải Phòng rồi và đi ăn thôi…

Mình xuống tàu lúc 18h, lúc này trời đã sẩm tối. Rất đông khách cũng đến Hải Phòng, mình nghĩ chắc là các bạn trẻ đến đây để đi food tour giống mình thôi. Lúc xuống tàu vì quá mệt nên bọn mình hơi đơ đơ, không chú ý đến việc thuê xe máy. Đến khi vào các quán hỏi thì hết xe mất rồi. Phải đi lòng vòng mấy lượt bọn mình mới thuê được một chiếc xe máy hơi cùi bắp với giá 150.000 đồng/1 ngày (khóc). Vậy nên khi đến Hải Phòng nếu cần thuê xe mọi người hãy thuê xe luôn và ngay nhé vì quá đông và không có xe để thuê, chưa kể còn bị chặt chém giá cao nữa.

Việc đầu tiên khi thuê xong xe máy đó là đổ xăng. Cây xăng ở Hải Phòng cực kỳ rộng, đẹp, nhìn rất văn mình tuy nhiên mình quên không chụp ảnh. Mình đổ 30.000 tiền xăng rồi đi về phòng đã thuê. Hải Phòng trong mắt mình là một thành phố phát triển, mình thấy chẳng khác gì Hà Nội cả. Điều khác lạ đó chính là ở Hà Nội đông dân hơn mà thôi. Hải Phòng với rất nhiều hàng ăn xịn xò, những quán cafe dành cho giới trẻ. Và đặc biệt là khi du lịch phát triển thì nhiều dịch vụ cũng được phát triển theo.

Dưới đây là toàn bộ những món mình đã ăn khi đến Hải Phòng.

Bún cá cậu Đoành

Vì lêu hêu nhiều nên lúc này cũng đã gần 7 giờ tối. Bụng hơi đói nên trên đường về bọn mình có đi ăn luôn. Món ăn mình ăn đầu tiên là Bún cá cậu Đoành nằm trên đường Hồ Sen. Theo như mình biết thì thương hiệu này có đến hơn 20 cơ sở ở nhiều tỉnh thành khác nhau (nhượng quyền). Cơ sở mình ăn là cơ sở gốc, rất đông khách dù đã 19h. 

Món ăn đầu tiên mình ăn là bún cá
Món ăn đầu tiên mình ăn là bún cá

Mình order 2 suất bún cá. Bạn có thể chọn nhiều loại cá khác nhau trong 1 bát. Mình chọn cá rô và bò nhưng bò không phải là thịt bò mà là cá bò – 1 loại cá nào đó mình không biết và cũng nghe lần đầu tiên. Lúc order đồ ăn anh chủ quán có hỏi mình ăn bún cá nhân gì khiến mình có chút hoang mang. Lúc đó mình nghĩ có phải bánh cá đâu sao lại có nhân gì. Tuy nhiên theo cách gọi của người Hải Phòng bún cá nhân gì nghĩa là ăn bún cá kèm theo topping gì nhé mọi người ơi.

Vì đói nên mình ăn thấy rất ngon dù cá ăn không được giòn cho lắm. Và cái cá bò mình ăn thấy cũng không có gì quá đặc sắc. 1 bát bún cá to bằng cái mặt mình có giá 30.000 đồng, mình nghĩ là đủ cho 1 bữa tối. Nhưng vì dạ dày mình không đáy nên ăn được 30 phút là mình thấy đói rồi. Vậy nên tối đó bọn mình quyết định đi ăn ốc – đặc sản không thể bỏ qua khi đến thành phố hoa phượng đỏ.

Ăn ốc ở Hải Phòng

Mình thực sự không đi ăn theo chỉ dẫn trên bản đồ foodtour mà search trên Google thấy quán nào gần thì ăn vậy thôi. Quán ốc bọn mình ăn nằm sâu trong cuối ngõ và khá đông khách. Mình gọi 1 ốc khều (chính là ốc đá, ốc vặn mình hay ăn) và 1 ốc đỏ. Mình không biết ốc đỏ là gì và chỉ gọi vì thấy tò mò, cái kết là đây là một loại ốc cực kỳ bé và ăn loại ốc này cực kỳ khó khăn. Và giá của loại ốc đỏ này cũng vô cùng đắt, gấp đôi so với ốc bình thường.

Ốc ở Hải Phòng ngon lắm nha
Ốc ở Hải Phòng ngon lắm nha

Còn nhiều loại ốc khác mình ăn thấy cũng bình thường, không có gì quá đặc sắc, mọi người nên thử mỗi loại một ít để thấy được sự đa dạng về ẩm thực, hải sản ở Hải Phòng. Điểm đặc biệt mình biết đó là ở đây, mọi người sẽ gọi nem chua rán ở nem rán Hà Nội. Lúc mình đọc mình cứ nghĩ nem rán chính là cái nem mà chúng ta hay ăn vào những dịp giỗ Tết. Khi hỏi mọi người thì mới biết chính là nem chua rán mà chúng ta vẫn hay ăn.

Mình ăn hết hơn 100,000 đồng tiền ốc vì lúc này cảm giác cũng không muốn ăn thêm và gọi cũng không nhiều, đặc biệt khi nhẩy ốc đỏ khiến mình khá nản và không muốn ăn thêm ốc nữa.

Bạn tự chọn gia vị cho nước chấm ốc
Bạn tự chọn gia vị cho nước chấm ốc

Ăn kem ở Lạch Tray

Ăn ốc xong bọn mình đi loanh quanh và lạc ra Lạch Tray – con phố nổi tiếng với sân vận động Lạch Tray mà mỗi lần nghe đến mình có chút rén. Vô tình thấy quán kem Quỵt đông khách thế là mình vào luôn. Mình muốn gọi kem dừa, kem bơ nhưng chị chủ quán bao hết, vậy nên mình gọi 1 kem hoa quả và kem dừa thốt nốt gì đó mình không nhớ. Mình thấy ăn cũng bình thường thôi, không có gì quá đặc sắc, có thốt nốt mình ăn lần đầu thì thấy dai dai, giòn giòn khá lạ miệng.

Sau khi ăn xong và đi dọc đường Lạch Tray mình mới thấy có rất nhiều quán dừa dầm vỉa hè, đặc biệt là quanh khu vực sân vận động. Mình có chút hối hận vì đã ăn kem quá sớm, nếu biết trước thì mình đã ăn dừa dầm ở vỉa hè luôn rồi. Mình khuyên mọi người tối đi ăn vặt thì cứ đường Lạch Tray mà ăn thôi nha, tại đây đông người, đồ ăn nhiều còn giá thì không biết bao nhiêu.

Ăn kem ở Hải Phòng ăn xong lạnh tê tái
Ăn kem ở Hải Phòng ăn xong lạnh tê tái

Kết thúc việc ăn uống mình còn lượn lờ quanh thành phố Hải Phòng và phải công nhận 1 điều là Hải Phòng rất lòng vòng luôn. Quá nhiều đường 1 chiều đi cực kỳ khó và lúc đi 1 kiểu, lúc về một kiểu khiến việc đi lại khá khoai. Nếu không có google map thì thực sự là chúng ta có thể bị lạc đó.

Mình trở lại phòng lúc 22h và vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ.

Bánh đa cua

Ở ngay cạnh hotel mình ở có rất nhiều hàng quán bán bánh đa cua với giá bình dân và chủ yếu bán cho dân địa phương ăn. Mình cũng bon chen vào một quán nhỏ, lúc này đã 8 giờ rồi nhưng mọi người vẫn ăn rất đông, có lẽ do hôm này là chủ nhật.

Mình gọi 2 bát bánh đa cua đầy đủ với topping là giò, trứng cút, chả cua, chả cá, thịt bò… Tại đây bạn có thể chọn ăn bánh đa đỏ hoặc trắng, mình chọn bánh đa đỏ cho đỡ bỡ ngỡ. Nước dùng thơm ngon, bánh đa ngọt mềm và các topping ăn cùng khiến mình cảm thấy ấm bụng trong thời tiết se lạnh ở thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên 1 bát quá lớn, quá nhiều bánh đa nên mình không thể ăn hết vì quá no. Bạn nên báo chủ quán cho ít bánh đa nếu không ăn được nhiều nhé.

Bánh đa cua chỉ 20,000 đồng
Bánh đa cua chỉ 20,000 đồng

Giá 1 bát bánh đa cua to hơn cái mặt mình là 20.000 đồng.

Bánh mì que cay

Ăn sáng xong bọn mình có lêu hêu ở khu vực cổng Aeon Lê Chân để sống ảo, chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Aeon Lê Chân to kinh khủng, cảm giác Aeon Hà Đông chỉ bằng ⅔ mà thôi, thiết kế mái theo hình cánh buồm cực kỳ lạ mắt và thu hút. Mọi người nên đến đây check in, sống ảo nhé.

Aeon Lê Chân ta nói to dã man
Aeon Lê Chân ta nói to dã man

Ngoài ra bọn mình cũng lượn lờ lên phố và chụp ảnh ở khu vực Bưu điện thành phố Hải Phòng. Tại thành phố, trên mỗi biển tên đường sẽ đều có gắn QR code, khi quét mã bạn sẽ đọc được thông tin vị danh nhân đó là ai, có những đóng góp gì cho đất nước. Đây là điều mình thấy khá hay mà Hà Nội hay các tỉnh khác nên thử xem sao.

Những con phố được gắn mã QR code
Những con phố được gắn mã QR code

Lang thang một thời gian thì mình đi đến khu vực Đinh Tiên Hoàng để ăn bánh mì cay. Đây là lần đầu tiên mình ăn bánh mì que Hải Phòng và nó nhỏ hơn mình nghĩ rất nhiều. Mình gọi 10 cái cùng 2 cốc sữa đậu uống cho ấm bụng. Mình nghĩ bữa sáng với 5 bánh mì que cùng 1 sữa đậu là vô cùng hoàn hảo.

Bánh mì que chấm với chí chương cực kỳ cay và mình không thể ăn nổi nên mình không chấm hoặc chỉ dùng rất ít. Vì đã ăn bát bánh đa cua khá no nên khi ăn thêm bánh mì mình lại càng no hơn bao giờ hết.

1 đĩa bánh mì que cay
1 đĩa bánh mì que cay

Giá 10 bánh mì cay và 2 sữa đậu mình ăn là 33.000 đồng.

Uống trà cúc

Trên bản đồ foodtour có chỉ dẫn mọi người nên thử trà cúc nên mình cũng tìm 1 quán ở khu vực Phan Bội Châu để thử. Các quán trà cúc, cafe khá đông khách, có lẽ vì là cuối tuần nên mọi người gặp gỡ và trò chuyện.

Mình gọi 1 trà cúc và 1 trà cam mộc. Trà cúc mình thấy uống hơi giống thuốc bắc, không phải gu của mình, còn trà cam mộc thì dễ uống hơn, khá ngon. Mình nghĩ mọi người nên thử trà cam mộc thay vì trà cúc nếu đến Hải Phòng.

Mình không đánh giá cao trà cúc, mọi người nên uống trà cam mộc nha
Mình không đánh giá cao trà cúc, mọi người nên uống trà cam mộc nha

Bún chả nem cua bể

Lúc mình uống trà cúc xong là 11 rưỡi. Vì 12 giờ trả phòng nên mình tranh thủ ăn trưa luôn. Thực sự lúc này mình đã rất no rồi tuy nhiên nếu không ăn thì chiều lại sợ đói, 1 phần là bản thân cảm thấy chưa ăn được nhiều trong chuyến foodtour này nên cố gắng ăn hết. Quán bún chả cũng nằm trên đường Phan Bội Châu và có mặt trên bản đồ foodtour. Mình thấy giá hơi đắt bởi 40,000 đồng/suất, như hình ở dưới là suất cho 2 người. Mình gọi thêm 1 nem cua bể nữa, giá là 25.000 đồng.

Lúc này vì quá no nên mình không cảm nhận được vị ngon hay không ngon của bún chả Hải Phòng, nhưng phải công nhận là nem của bể rất ngon. Bọn mình ăn cố mới hết được chả, nem còn bún thì xin bỏ lại bởi thực sự là quá no, không thể ăn hết được.

Bún chả nem cua bể giá hơi cao
Bún chả nem cua bể giá hơi cao

Giá cho 2 suất bún chả nem cua bể là 105.000 đồng.

The Local Cafe

12 giờ bọn mình check in phòng sau đó lang thang đi qua khu vực gần ga tàu để cafe, có gì tiện đi ra ga và về luôn vì giờ tàu chạy là 15h. The Local Cafe là quán cafe rộng, không gian mở, thiết kế ghế camping dành cho người lười. Đồ uống thì không có gì quá đặc biệt, mình gọi latte – 1 thức uống ưa thích của mình và ngồi nhìn dòng người lướt qua mà thôi. Lúc này thành phố có chút âm u, báo hiệu 1 cơn mưa có vẻ sắp trút xuống nơi đây, vừa nhìn trời mình vừa suy nghĩ về ngày mai – ngày thứ 2 đầu tuần mà chúng ta phải đi làm và bắt đầu chán nản.

Dừa dầm

14h mình di chuyển ra khu vực đường Lê Lợi để mua chút bánh mì que về làm quà, tiện thể mình ăn luôn dừa dầm dù bụng đã quá no. Đi Hải Phòng mà không ăn dừa dầm thì hơi phí nên mình vẫn cố nhét vào bụng. Dừa dầm Hải Phòng cực ngon, thơm mát, ăn kèm hạt đác nữa thì không còn gì để chê, nên thử nha mọi người.

Khoảng 14h30 mình di chuyển đến ga Hải Phòng để trả xe, chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm sau đó làm thủ tục lên tàu và trở về Hà Nội.

1 cốc dừa dầm rồi về Hà Nội
1 cốc dừa dầm rồi về Hà Nội

Về Hà Nội thôi….

Vì lúc về mình có mệt và ngủ trên tàu nên cảm giác tàu đi khá nhanh, quay ra quay vào đã thấy đến ga Gia Lâm rồi. Hà Nội mưa mau nhẹ mà mình không mang ô, sau khi xuống tàu mình đi xe bus về nhà, kết thúc chuyến foodtour Hải Phòng đáng nhớ. 

Bye bye Hải Phòng
Bye bye Hải Phòng

Tổng chi phí cho chuyến đi của mình là 800.000 đồng/người. Mọi người nên thử xem sao nha.

Hẹn mọi người ở những bài review tiếp theo nhé.

share
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Nhận thông báo bài viết mới hàng tháng tự động qua email

Bài viết liên quan